5 min read

Lần đầu chuyển việc

Lần đầu chuyển việc
“Hãy nghĩ đến chuyển việc như là chia tay một mối tình.”

— Đồng nghiệp thân

Cuối tháng hai vừa rồi, trong một buổi họp riêng hàng tuần với trưởng phòng, mình lấy hết can đảm mở lời, chia sẻ rằng mình đã ký offer với một công ty khác, rằng đây là 2-week notice của mình.

Đa phần ở các công ty ở Mỹ hay Canada, trừ trường hợp đặc biệt cần nhiều thời gian chuyển giao công việc, bình thường chỉ cần gửi đơn xin nghỉ việc 2 tuần trước ngày chính thức ra đi.

Mình đã suy nghĩ xem phải chia sẻ với trưởng phòng thông báo nghỉ việc như thế nào từ rất lâu trước hôm ấy. Có lẽ đến cả vài tháng. Từ trước khi mình phỏng vấn với công ty mới.

Suy nghĩ lâu như vậy là chuyện … rất thừa thãi! Bình thường, người ta kí offer rồi mới phải nghĩ. Nhưng với trường hợp của mình, mình nghĩ nhiều như vậy có lẽ vì đây là cảm xúc của lần đầu chuyển việc.

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ về Data Science, đây là công việc full-time đầu tiên của mình. Mình tự cảm thấy may mắn vì được đi làm ở môi trường có văn hoá tốt, trưởng phòng và các anh chị senior luôn tạo điều kiện rèn luyện và để mình có thể mang được tầm ảnh hưởng lớn cho công ty.

Ngoài những quan tâm ấy, mình còn cảm nhận được sự tin tưởng của công ty vào khả năng và giá trị của mình. Họ tài trợ cho mình tham gia các buổi hội thảo, cũng như chi phí cho chính hội thảo mà mình tham gia tổ chức. Hơn thế nữa, họ tạo cơ hội thăng bậc và tăng lương cho mình.

Đi làm được tròn một năm, hai người mentor có tầm ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của mình quyết định chuyển công ty, trong đó có chị trưởng phòng. Mình trải qua vài tháng làm việc quá sức, tình trạng vừa khóc vừa code kéo dài. Tuy trải qua quá trình khó khăn đó, mình lại không thấy các kỹ năng được mài dũa và tiến bộ như mong đợi. Tệ hơn thế nữa, mình cảm thấy chính kiến hơi đối lập với văn hoá công sở và cách suy nghĩ của một số đồng nghiệp mới.

Cuối năm 2020, mong muốn thay đổi công ty bắt đầu nhen nhóm. Thời gian ấy thật sự rất khó khăn. Ngoài việc tự nhìn nhận bản thân còn thiếu gì để nhảy việc rồi bồi đắp những kiến thức đó, mình còn phải vật lộn với những luồng cảm xúc trái chiều.

… Mình đang phản bội công ty hay sao?

… Mình bỏ cuộc dễ dàng vậy sao?

… Nhưng nếu ở lại, mình cảm thấy không được phát triển như mình mong muốn.

Với quá nhiều căng thẳng cộng thêm tính tình khó che giấu cảm xúc, một thời gian đầu năm 2021, vây quanh mình là sự tiêu cực. Đến meeting không còn hỏi han mọi người như trước, không còn thể hiện sự quyết tâm giải quyết những vấn đề dù khó khăn đến thế nào.

Mãi không thoát khỏi được quả bong bóng tiêu cực chính bản thân tự tạo cho riêng mình, mình mở lòng chia sẻ cho đồng nghiệp thân. Bạn ấy bảo là:

“Bà việc gì phải căng thế. Hãy nghĩ đến chuyển việc như là chia tay một mối tình. Bà đã có thời gian đẹp bên người ta. Nhưng khi bà đã quyết định chấm dứt thì nuối tiếc chi nữa. Thay vì sống trong tiêu cực, sao không tận hưởng những giây phút cuối cùng một cách trọn vẹn nhất?”

Nhiều khi mê sảng trong quả bóng tiêu cực, ta như bị mờ con mắt chẳng nhìn được những khía cạnh khác của vấn đề. Trong trường hợp này, mình chọn cách chia sẻ với những người tin tưởng — biết đâu người ta có một điểm nhìn mới, hướng cách suy nghĩ mình tích cực hơn?

Nghe bạn nói vừa buồn cười vừa hợp lý, mình cho nổ quả bóng tiêu cực luôn! Việc gì phải tiêu cực, khi mình còn cả một thời gian để có thể sử dụng hết các lợi ích công ty cung cấp, tranh thủ học hỏi từ những người giỏi nhất ở công ty, và rèn luyện kỹ năng từ bất cứ cơ hội nào mình có thể nắm bắt được.

Rồi ngày thông báo xin nghỉ cũng đến. Mình cảm ơn trưởng phòng mới vì những hỗ trợ vừa qua từ team và từ công ty. Nhưng đã đến lúc mình muốn trải nghiệm một thử thách mới mà mình không thể từ chối.


Thật ra chuyển việc cũng khá bình thường trong ngành công nghệ. Theo khảo sát với hơn 10,000 kỹ sư phần mềm ở khu vực San Francisco Bay Area vào năm 2017, HackerLife chia sẻ có gần nửa số kỹ sư chuyển công ty trong vòng 2 năm sau khi bắt đầu công việc ấy.

Những lý do chuyển việc nhìn chung cũng khá giống nhau. Trong cuộc khảo sát vào năm 2015 thực hiện bởi LinkedIn — mạng xã hội cho người đi làm lớn nhất thế giới, lý do được nhiều người chọn nhất là vì sự quan ngại không có cơ hội phát triển. Đây cũng là một trong những lý do chính của mình.

Ai cũng phải sẽ có những lần đầu tiên. Cảm xúc của lần đầu làm một việc gì đấy có thể sẽ đầy rẫy những bối rối, đầy rẫy những câu hỏi mà bản thân không trả lời được.

Nhưng bạn không phải một mình đối mặt với khó khăn. Hãy tìm đọc những dữ liệu đáng tin để có thể trả lời câu hỏi của mình. Hãy chia sẻ với ai đấy bạn tin tưởng.

Giống như bất cứ quyết định nào trong cuộc sống — luôn có cái được cái mất, thay đổi công việc mở ra những cơ hội mới nhưng cũng mang theo rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, nếu không đưa ra quyết định và đối mặt với những thử thách đi kèm, làm sao ta có thể trưởng thành hơn?