Lần đầu bỏ qua cơ hội mơ ước

Cách đây hai năm khi còn làm Data Analyst ở công ty cũ, một hôm đẹp giời cuối thu, chị trưởng phòng kéo mình ra tâm sự về chiến lược mới của công ty và những dự định của chị để hỗ trợ chiến lược này.

We need you there!

Chị nghĩ mình là người phù hợp để làm primary data analyst (analyst hỗ trợ chính) cho chiến lược này. Khác biệt của dự án này so với những dự án khi ấy mình đang chịu trách nhiệm là người stakeholder vừa có tâm và có tầm trong Data Science - chính là team Data Science của công ty.

Nghe chị trưởng phòng đề cập như vậy, mình như vớ được vàng!

Mục tiêu của mình sau này là trở thành người quản lý bộ phận Data của một công ty, chuyên về phân mảng hỗ trợ quyết định và chiến lược. Để làm tốt phần này mình cần 5 phần kỹ năng:

  1. Technical - statistics và programming
  2. Quản lý dự án
  3. Xây dựng quan hệ tốt với stakeholder
  4. Quản lý và phát triển con người
  5. Lên chiến lược hoạt động, phát triển quá trình cũng như phát triển team và công ty

Trong những năm đầu tiên đi làm, mình ưu tiên rèn luyện ba phần đầu tiên - những phần mình có thể chủ động tìm cơ hội rèn luyện. Hai phần còn lại về quản lý con người và chiến lược thì thường manager trở lên mới được làm nhiều - mình chỉ có thể học hỏi qua trao đổi hay theo dõi sếp làm việc.

Do tính chất của công việc lúc ấy, tuy lấy về được nhiều trải nghiệm, mình cảm thấy kỹ năng về programming và xác suất thống kê của mình vẫn còn nhiều lỗ hổng, chưa đến trình độ mà mình mong muốn. Khi ấy team mình lại không có mentor nào thực sự giúp mình đạt được điều này.

Ngược lại, team Data Science lại toàn những người hiểu sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tế về programming và xác suất thống kê. Nếu được hợp tác sát sao với họ, mình sẽ có cơ hội được học hỏi trực tiếp và lấp những lỗ hổng nhanh chóng hơn, so với việc tự mày mò và xin được mentor không thường xuyên nếu không làm chung với họ.

Chị trưởng phòng muốn mình làm là một chuyện, nhưng quyết định không thể một mình chị nói là được. Team Data Science muốn có một cuộc họp với cả team Data Analytics để mở cơ hội này cho tất cả mọi người, ai thích làm có thể xung phong.

Hai tuần sau, cuộc họp định mệnh cũng đến.

So, who wants to support us for this strategy? We can rotate every few months so everyone can try it out as well.” - Ban đầu, team Data Science cũng nghĩ tầm vài tháng có thể thay đổi một người analyst để tất cả mọi người trong team mình có cơ hội thử sức với cơ hội này.

Nghe vậy, mình lưỡng lự suy nghĩ lắm! Khi ấy mình đang hỗ trợ hai dự án khác cũng rất quan trọng của công ty, chỉ sợ không có thời gian ôm thêm cả vũ trụ.

Đang còn bận suy tư, thì một chị analyst khác đã lên tiếng: “I can do it!”

Thôi xong!! Ở khoảnh khắc ấy, mình nghĩ, thôi nhường cơ hội này trước cho đồng nghiệp vì mình đã có những dự án lớn khác rồi, tranh dành thêm dự án lớn này nữa thì kỳ quá! Đằng nào mấy tháng nữa cũng có thể đổi mà, lo gì.

Mấy tháng sau, kế hoạch triển khai chiến lược thay đổi một chút và team Data Science xin team mình cho chị đồng nghiệp qua bên ấy làm hẳn full-time luôn.

Kế hoạch rotate analyst bay vào mây khói. Và mình ân hận nhiều tháng sau này vì đã không xung phong cho cơ hội mà mình hằng mơ ước.

--------------------

Cũng hơn một năm rồi kể từ cuộc họp ấy, mình quyết định ra đi tìm công việc mới để có cơ hội rèn luyện phần technical nhiều hơn.

Mục tiêu sự nghiệp mình vẫn nguyên vẹn, nhưng lần này mình đau đáu nỗi lo làm sao để tận dụng hết cơ hội phát triển bản thân ở những phần kỹ năng trên, mà vẫn hoàn thành tốt được những việc được giao. Đặc biệt là làm sao khi càng lên cao ở những vị trí quản lý, mình vẫn giữ được kỹ năng technical hoặc phát triển kỹ năng này thêm nữa - vì ở vị trí này, thường họ sẽ không có nhiều cơ hội nhúng tay vào công việc phân tích hàng ngày nữa, có thể khả năng sẽ thui chột dần.

Mình mang nỗi lo chia sẻ với anh trưởng phòng hiện tại - người anh vừa làm quản lý giỏi vừa giữ vững phong độ technical. Anh nói thế này:

Càng lên cao sẽ càng phải suy nghĩ nhiều việc, khối lượng công việc cũng sẽ nhiều hơn. Để xử lý được đống công việc này, có 3 cách:

  1. Làm nhanh hơn (Work faster): nhanh ở đây đòi hỏi tay nghề kỹ năng phải ngày càng tốt hơn. Nhìn vào một vấn đề sẽ biết cách xử lý vấn đề vừa nhanh chóng vừa scalable. Ai bảo quản lý không cần kỹ năng technical tốt?
  2. Làm nhiều hơn (Work more): nhiều việc mà không làm nhanh được thì phải làm nhiều hơn thôi! Có nghĩa là đôi lúc ta cũng cần phải làm thêm giờ để đáp ứng được công việc
  3. Uỷ thác (Delegate): uỷ thác ở đây có thể là chia việc cho những người khác trong team cùng làm để hoàn tất công việc nhanh hơn; cũng có thể là uỷ thác cho hệ thống/quá trình - automate hay cải thiện được phần nào để có thể làm nhanh hơn

Và đó cũng chính là 3 cách mà anh trưởng phòng luôn làm để có thể làm tròn trách nhiệm của một người manager, có thêm thời gian rèn luyện kỹ năng technical, và vừa có thể làm tròn trách nhiệm của một người bố hai con nhỏ - làm việc không quên mình có một gia đình nha mọi người!

Mỗi chúng ta có một dự định, mơ ước riêng cho sự nghiệp mình. Để ước mơ thành sự thật, ta phải nỗ lực không ngừng. Quan trọng là phải tranh thủ nắm lấy cơ hội mong muốn, đặc biệt nếu cơ hội đó giúp mình tiến đến đích nhanh hơn!

Nếu có đứng trước thềm lưỡng lự cho một cơ hội, bạn đừng như Hà ở cuộc họp kia. Hãy nhớ rằng, bạn có thể  “work faster, work more, and delegate" nhé!

Photo by Matt Sclarandis on Unsplash