6 min read

Tìm cơ hội từ nội bộ công ty

Tìm cơ hội từ nội bộ công ty
Photo by Maël BALLAND / Unsplash

Với các bạn đang đi làm nhưng muốn tìm cơ hội mới, mình hay chia sẻ rằng cơ hội từ nội bộ công ty sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với cơ hội bên ngoài.

Tuyển người từ nội bộ sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc, thời gian cho công ty. Lí do vì:

  • Công ty không cần bỏ thêm thời gian training bạn từ đầu. Bạn đã có sẵn sự hiểu biết nhất định về cách vận hành của công ty mình, những thông tin về sản phẩm/dịch vụ và khách hàng
  • Công ty không cần dành nhiều thời gian phỏng vấn để tìm hiểu về thái độ và năng lực làm việc của bạn. Họ đã có những thông tin này qua quá trình bạn làm việc ở đây.

Vậy làm sao để tìm những cơ hội nội bộ? Đây là một số cách mình đã làm.

1/ Từ chính team của bạn

Sau khi biết bản thân muốn tìm kiếm gì thêm cho sự nghiệp của mình, hãy chia sẻ với manager để họ cùng bạn tìm ra cơ hội phát triển. Manager có thể phân cho bạn công việc phù hợp hơn, góp ý tập trung cho những kỹ năng bạn muốn phát triển hơn, hoặc cùng bạn lập kế hoạch promotion nếu đó là mong muốn của bạn.

Nhớ khi mình muốn phát triển thành Senior Data Analyst ở công việc trước, mình đã đề cập mong muốn rõ ràng với chị sếp. Chị ấy và mình đã lên một spreadsheet với những yêu cầu công việc của Senior, cùng tìm cơ hội để mình thử sức với những kĩ năng chưa có. Bọn mình sử dụng hệ thống highlight xanh - vàng - đỏ cùng review xem mình đã thể hiện tốt từng mục kĩ năng chưa, và ghi rõ ví dụ vào spreadsheet. 

  • Highlight màu xanh: đã thể hiện tốt có kết quả cụ thể
  • Highlight màu vàng: đang thực hiện và chưa có kết quả cụ thể
  • Highlight màu đỏ: chưa thực hiện, cần tìm cơ hội

Khi đến lúc lập hồ sơ promotion cho mình để nộp lên cấp trên của chị sếp, chị đã có sẵn những ví dụ và kết quả cụ thể để viết vào hồ sơ. Thời gian chuẩn bị vô cùng nhanh gọn.

⚠️ Lưu ý: Cách này đương nhiên chỉ áp dụng khi bạn đang happy với team hiện tại, có mối quan hệ từ ok đến tốt với manager. Không thì khả năng thành công sẽ khó, mà nếu có đạt được mục tiêu bạn chưa chắc sẽ happy - rất phí thời gian công sức bỏ ra.

2/ Từ team bạn mong muốn gia nhập

Nếu bạn đang làm job khác muốn thử sức làm Data Scientist, bạn hãy thử nói chuyện thêm với manager bên team này. Cách này cũng áp dụng cho tất cả các team khác nhé!

  • Thứ nhất xem bạn có thấy thích công việc hàng ngày của họ không
  • Thứ hai xem bạn còn thiếu kĩ năng gì và thiếu nhiều không 
  • Thứ ba xem thử họ có cơ hội gì cho bạn hay không. Cơ hội này có thể là thử qua một việc nhỏ, làm thử một dự án, hoặc chuyển hẳn qua team này luôn nếu bạn đã sẵn sàng

Ở công ty cũ, dù làm trong team Data Analyst (chuyên descriptive analysis), mình hay tìm công việc liên quan đến predictive analysis và nhờ team Data Scientist mentor cho mình. Nhờ đó mình phát triển được kĩ năng này, và cuối cùng có kinh nghiệm cần thiết để nộp cho vị trí Data Scientist ở công ty hiện tại. Ở team mình hiện tại, cũng có vài bạn chuyển từ bộ phận khác sang làm Data Analyst hoặc Data Scientist sau khi nói chuyện với manager của team mình và thể hiện được các kĩ năng cần có cho công việc này.

⚠️ Lưu ý: Khi muốn chuyển team, bạn cần để ý đến quy trình của công ty. Có công ty rất dễ, có công ty bạn cần phải có sự ủng hộ từ manager của team bạn hiện tại. Nên dù thế nào mình thấy cũng nên cố gắng giữ gìn mối quan hệ với manager ngay từ đầu, để khi có bất cứ cơ hội nào đến với bạn, bạn cũng có sẵn sự ủng hộ từ họ.

3/ Hackathon của công ty

Ở công ty mình, mỗi năm có vài dịp Hackathon. Mỗi đợt Hackathon là một dịp mà nhân viên nào cũng có thể tự đưa ý tưởng project, tham gia bất cứ project nào mà mình hứng thú,  không nhất thiết phải làm chung với team hàng ngày. Có nhiều công ty cũng có những đợt Hackathon như vầy, hoặc những cuộc thi trong nội bộ công ty.

Đây là một dịp mình có thể học hỏi thêm những mảng business domain mới, và đặc biệt mang kĩ năng của mình đóng góp cho những vấn đề mình chưa bao giờ được thử sức.

Ở đợt Hackathon diễn ra cuối tháng 6, mình tham gia một dự án xây dựng dashboard theo dõi chỉ số đo lường mức độ hài lòng của khách hàng. Làm mãi với dữ liệu Nhân sự, mình tò mò thấy đây là một cơ hội thú vị để tìm hiểu thêm về một mảng mới của công ty mà hàng ngày chưa có dịp thử sức.

Tuy đây là một business domain mới, mình vẫn tự tin đem đến dự án những kĩ năng chuyển đổi (transferrable skill) để cùng giải quyết vấn đề với team dự án. Với những đóng góp vô cùng tích cực của mình, chú phó giám đốc bộ phận chăm sóc khách hàng đã ngỏ ý mời mình qua đấy làm việc, và sẵn sàng mở vị trí manager cho mình. Đây là một cơ hội mà đúng là 7 phần cố gắng và năng lực, còn lại là 3 phần may mắn. Tuy cuối cùng mình quyết định từ chối offer này, mình đã rút ra được vài kinh nghiệm và công thức tìm cơ hội nội bộ. Mình sẽ chia sẻ thêm sau nhé!

⚠️ Lưu ý: Trong ba cách mình chia sẻ, Hackathon là cách khá hên xui. Mình đã tham gia hackathon của cả công ty cũ lẫn công ty hiện tại rất nhiều lần, nhưng đây là lần đầu mình thành công tìm được một cơ hội và mối quan hệ mới tốt như vậy. Mình nghĩ phần nhiều lần này mình đặt tâm thế chuẩn bị sẵn sàng nghe ngóng và nắm bắt cơ hội, biết điểm mạnh điểm yếu cũng như những kĩ năng chuyển đổi mình có là gì để thể hiện bản thân thật tốt, dù mình ở trong tình huống mới mẻ thế nào. 

Tuy hên xui là vậy, mình vẫn thấy hackathon là một cơ hội trải nghiệm ít rủi ro để bạn phát triển kĩ năng và tạo ra những mối quan hệ mới trong công ty. 

Kết

Dạo này tình hình thị trường công việc Data cũng không khá lên lắm. Tìm việc bên ngoài càng ngày càng khó hơn cho những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm. Mình thấy chủ yếu vẫn tuyển nhiều Senior hay Staff, chứ hiếm khi thấy Junior hay Mid-level lắm. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn không còn cơ hội nào khác để phát triển kĩ năng và nhảy việc. Bạn chỉ cần tìm các cơ hội gần hơn với mình, ở ngay trong nội bộ công ty.

Mình mong 3 ý tưởng trên sẽ giúp bạn định hướng được bước tiếp theo cần làm là gì để tìm được cơ hội phát triển như mong muốn nhé!